Chiếc đài cassette đong đầy kỷ niệm

Bố mẹ tôi tạm biệt khu phố cũ để chuyển nhà về một khu chung cư mới. Trong tủ đồ của bố có chiếc đài cassette cũ. Bố cứ băn khoăn, nửa muốn mang theo, nửa muốn ‘giải tán’ theo lời khuyên của đội dọn nhà chuyên nghiệp. Và ông quyết định mang theo chiếc đài cassette về nhà mới.

Thời bao cấp, xe máy, ti-vi, đồng hồ, đài cassette… là những vật dụng xa xỉ mà chỉ nhà có điều kiện mới có. Chiếc đài cassette bố tôi sắm được sau một chuyến công tác nước ngoài. Thời điểm đó, cả xóm chỉ vài nhà có đài cassette nên anh em chúng tôi thích lắm và có phần tự hào với trẻ con hàng xóm.

Chiếc đài cassette hiệu Sony màu đỏ chót, 2 cửa băng được mẹ tôi để trang trọng trên chiếc tủ ly. Trên chiếc đài, mẹ còn cẩn thận phủ chiếc khăn voan cho đỡ bụi. Trước đó, nhà tôi cũng có một chiếc radio cũ để nghe tin tức. Nhưng từ khi có chiếc đài cassette mới thì radio bị “thất sủng”. Hình như sau này, bố mẹ tôi cho người quen chiếc radio đó thì phải.

Chiếc đài cassette tiếng trong veo chứ không rọt rẹt như radio. Hơn nữa, mỗi khi lắp băng casset vào, ta có thể nghe những bản nhạc, bài hát thịnh hành theo ý thích mà không phải phụ thuộc vào chương trình ca nhạc phát sóng theo khung giờ nhất định. Nhưng đôi khi cũng có một vài rắc rối xảy ra. Có lần, tôi lắp băng casset vội vã nên khi bật lên bị rối băng. Chiếc đài ọ ẹ, kêu roạt roạt rồi im bặt. Mở ra, cả một đống băng rối tung trong máy. Tôi sợ hết vía, phải cầu cứu ông anh trai. Anh hí hoáy một hồi, tháo được cuộn băng ra rồi lấy cái đũa cuộn trở lại. Lát sau, anh lắp băng, bật casset, nhạc du dương trỗi lên, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Bật đài phát thanh cũng có cái hay đáo để. Lũ trẻ chúng tôi chỉ cần nghe nhạc hiệu đoán ra giờ mà không phải chạy về nhà xem đồng hồ. Ví dụ, cứ 6g hàng ngày bao giờ cũng có nhạc hiệu báo kèm tiếng phát thanh viên khoan thai: “Bây giờ là 6 giờ”. 6g30 sáng chủ nhật là chương trình “Câu chuyện ở đại đội”. Trưa đến, đúng 11g30 là tiếng nhạc hiệu của chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” réo rắt vang lên.

Tối thứ bảy hàng tuần, các cô chú hàng xóm lại sang nhà tôi cùng nghe chương trình “Câu chuyện cảnh giác” phát trên đài. Sau đó là đến chương trình “Sân khấu truyền thanh”. Mẹ tôi khi nào cũng pha sẵn nước chè xanh ủ trong ấm tích để mời hàng xóm vừa nghe đài, vừa uống nước. Thi thoảng, mẹ còn rang ít lạc cả vỏ ở quê mới gửi lên để mọi người cùng nhấm nháp. Lũ trẻ chúng tôi cũng tụ tập, quây quần quanh chiếu nhưng thường chòng ghẹo nhau chí chóe. Các bố các mẹ lại thi nhau “chịp, suỵt” không cho chúng tôi nói to để còn theo dõi câu chuyện đang đến hồi ly kỳ hấp dẫn trên sóng truyền thanh.

Sau này, chiếc đài cassette bị hỏng, bố tôi mang đi sửa vài lần nhưng vẫn trục trặc nên ông cho vào chiếc hộp cất im trong tủ. Hơn nữa, các thiết bị truyền thanh, truyền hình hiện đại ngày một nhiều nên chiếc đài casset bị quên lãng. Vậy mà, hôm đó nhìn thấy bố bần thần khi giở chiếc đài cũ ra xem lại, bao kỷ niệm thời bao cấp bỗng ùa về trong tâm trí tôi…

Với những ai đã từng đi qua thời bao cấp, kỷ niệm luôn lấp lánh niềm vui bình dị. Ngày ấy tuy vất vả, thiếu thốn nhưng hạnh phúc thật giản đơn và ấm áp tình người.

Tác giả: Vy Anh (phapluatxahoi.vn)